Bối cảnh Tuyên bố chung Trung-Anh

Vương quốc Anh chiếm Đảo Hồng Kông năm 1842, Bán đảo Cửu Long năm 1860, và thuê Tân Giới vào năm 1898 trong vòng 99 năm.

Bối cảnh của Tuyên bố chung Trung-Anh là việc hạn cho thuê Tân Giới sắp kết thúc vào ngày 1 tháng 7 năm 1997.[2] Thỏa thuận thuê này do Anh và Hoàng đế Quang Tự của Trung Quốc thực hiện, kéo dài 99 năm kể từ ngày 1 tháng 7 năm 1898 trong Công ước Bắc Kinh lần hai. Vào thời điểm ký kết thỏa thuận thuê, Đảo Hồng Kông đã được giao cho Anh vĩnh viễn theo Điều ước Nam Kinh vào năm 1842 sau Chiến tranh nha phiến lần thứ nhất, và phần phía nam của Bán đảo Cửu Long cũng như Bãi Ngang Thuyền được giao cho Anh vĩnh viễn theo Điều ước Bắc Kinh năm 1860 sau Chiến tranh nha phiến lần thứ hai.

Vào đầu những năm 1980 lãnh thổ và nền kinh tế đang phát triển mạnh tại đây bắt đầu khiến người ta lo ngại về tương lai của Hồng Kông.[3] Tình trạng không chắc chắn về chính trị làm dấy lên những lo ngại về quyền tài sản và hợp đồng khi sắp đến thời hạn trả Tân Giới về cho Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.[4] Vào tháng 3 năm 1979, Toàn quyền Hồng Kông, Murray MacLehose, viếng thăm Bắc Kinh. Trong chuyến thăm đó, đã có những cuộc thảo luận không chính thức về tương lai Hồng Kông. Sau khi quay về, MacLehose cố gắng trấn an các nhà đầu tư về việc trao trả sắp đến, nhưng cũng nhắc lại rằng Trung Quốc dự định sẽ lấy lại chủ quyền đối với Hồng Kông.[4] Cuộc thương thuyết chính thức đầu tiên bắt đầu khi Thủ tướng Anh thăm Trung Quốc và gặp Chủ tịch Quân ủy Trung ương Đặng Tiểu Bình vào tháng 9 năm 1982.[4]

Trong các cuộc thảo luận tiếp theo với sự có mặt của Toàn quyền Hồng Kông với tư cách thành viên phái đoàn Anh, ngày càng chắc chắn rằng Trung Quốc sẽ không chấp nhận sự tiếp tục quản lý của Anh sau năm 1997 dưới bất cứ hình thức nào.[5] Chính phủ Trung Quốc nhất quán quan điểm rằng toàn bộ Hồng Kông phải là lãnh thổ của Trung Quốc, do chúng đã bị tước đoạt trong những hiệp ước bất bình đẳng trước đây.[6] Hai bên chuyển sang thảo luận các giải pháp khác và đi đến khái niệm Hồng Kông trở thành một Đặc khu Hành chính của Trung Quốc. Vào tháng 4 năm 1984, hai bên kết thúc thảo luận ban đầu về vấn đề này, và thỏa thuận rằng Hồng Kông sẽ được giữ mức độ tự trị cao thuộc quyền chủ quyền của Trung Quốc và giữ nguyên lối sống tại Hồng Kông.[5] Đến ngày 18 tháng 9 năm 1984, hai bên đã chấp thuận nội dung văn kiện bằng tiếng Anh và tiếng Trung cùng với bản Trao đổi Ghi nhớ.

Việc ký kết Tuyên bố chung đã gây ra những tranh cãi tại Anh vì Thủ tướng thuộc Đảng Bảo thủ Margaret Thatcher đã ký thỏa thuận với chính quyền Cộng sản Trung Quốc với đại diện là Đặng Tiểu Bình. Tuy nhiên, những nhà phân tích chính trị tin rằng bà không còn sự lựa chọn nào khác là phải đồng ý thỏa thuận vì "thứ thay thế cho việc chấp nhận bản thỏa thuận hiện tại là không có thỏa thuận nào cả",[7] một tình huống không thể chấp nhận được nếu xét đến thế yếu của Anh trong thương thuyết. Vì Hồng Kông không thể được bảo vệ bằng biện pháp quân sự và phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thực phẩm và nước sạch từ tỉnh Quảng Đôngđại lục,[7] hoàn toàn không khả thi về mặt kinh tế nếu chia tách Hồng Kông (tức là nước Anh giữ quyền kiểm soát Đảo Hồng KôngCửu Long còn Tân Giới được trả về cho Trung Quốc). Hơn nữa, việc có được một thỏa thuận là một điều cấp thiết vì có lo ngại rằng nền kinh tế Hồng Kông sẽ sụp đổ trong những năm 1980 nếu không đạt được thỏa thuận. Những lo ngại về quyền sở hữu đất đai trong khu vực Tân Giới càng làm vấn đề trở nên khó khăn hơn. Mặc dù những thảo luận về tương lai của Hồng Kông đã được bắt đầu từ cuối thập niên 1970, thời điểm chốt lại Tuyên bố chung phụ thuộc vào yếu tố tài sản và kinh tế nhiều hơn là các nhu cầu về địa chính trị.[7]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tuyên bố chung Trung-Anh http://www.fmprc.gov.cn/web/fyrbt_673021/t1474476.... http://www.csmonitor.com/1996/0610/061096.intl.int... http://public.eblib.com/EBLPublic/PublicView.do?pt... http://www.scmp.com/news/hong-kong/article/1654603... http://www.hkbu.edu.hk/~pchksar/JD/jd-full1.htm http://www.cmab.gov.hk/en/issues/jd2.htm http://www.cmab.gov.hk/en/issues/joint2.htm#3 http://news.rthk.hk/rthk/ch/component/k2/1339261-2... http://www.hkjournal.org/PDF/2007_fall/5.pdf http://www.hkjournal.org/archive/ching.html